Chào mừng bạn đến với Hướng Dẫn Học Đàn Piano Cơ Bản của Học Gì Đây? Học đàn piano có thể rất dễ gây chán nản, nhưng chúng tôi ở đây để giúp những bài học piano cơ bản trở nên dễ dàng hơn cho bạn.
Bài viết này sẽ bao gồm những chủ đề học đàn piano cơ bản nhất để đảm bảo bạn có thể hiểu được khi xem qua chúng. Dành thời gian cho mỗi bài học này và chắc chắn rằng bạn đã hoàn toàn hiểu và có thể ứng dụng những gì đã học trước khi chuyển sang bài học kế tiếp.
Chúc mừng bạn đã quyết định học piano, và chúng tôi mong được trở thành một phần trong hành trình học piano của bạn! Dưới đây sẽ là những bài học đàn piano cơ bản bạn cần. Những bài học này được thiết kế đặc biệt để đưa bạn từ một người hoàn toàn không biết gì về piano thành người có thể chơi đàn piano một cách tự tin.
Hướng Dẫn Học Đàn Piano Cơ Bản: Bài Học Đầu Tiên
Khi bạn bắt đầu một nhiệm vụ mới hoặc học một cái gì đó mới, bạn cần có một điểm khởi đầu. Trong bài học này bạn sẽ có một điểm khởi đầu trên cây đàn piano. Điểm xuất phát đó là nốt C (Đô) giữa.
Có thể bạn vẫn chưa biết gì về các nốt nhạc cơ bản. Không sao cả, trước tiên hãy xem qua Học Nốt Nhạc Piano Cơ Bản.
Một cây đàn piano tiêu chuẩn có 88 phím đàn và 8 nốt C. Phím đàn đầu tiên (bên trái) là nốt A (La – A0), cuối cùng là nốt C (C8). Nốt C giữa (Middle C) là nốt C thứ tư tính từ bên trái.
Từ đó ta sẽ đưa tay sang phía bên phải bàn phím, chơi các phím trắng thành âm giai C trưởng (C major scale). Từ các nốt nhạc trong âm giai (scale) này, ta có thể xây dựng các hợp âm. Những hợp âm đầu tiên bạn chơi sẽ là hợp âm 3 nốt.
Hợp âm đầu tiên: C trưởng bao gồm các nốt C, E và G. Hợp âm tiếp theo là F trưởng, bao gồm F, A và C. Hợp âm thứ ba bao gồm G, B và D là G trưởng. Dùng ngón cái, ngón giữa và ngón út tay phải để chơi các hợp âm này.
Sau khi xây dựng các hợp âm, ta chơi thêm các nốt nhạc gốc của mỗi hợp âm bằng tay trái, sau đó chơi các hợp âm liên tiếp. Đây gọi là tiến trình hợp âm. Những kiến thức này không quá chi tiết, nhưng là khởi đầu tốt để học đàn piano cơ bản.
Hướng Dẫn Học Đàn Piano Cơ Bản: Tư Thế Ngồi Chuẩn
Tư thế ngồi thích hợp là một phần quan trọng trong việc chơi piano đúng cách. Trong bài học này tôi sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quan về cách đúng để ngồi trên ghế băng piano. Đầu tiên hãy chắc chắn là bạn không ngồi gù lưng. Cong lưng giới hạn khả năng di chuyển của bạn trên bàn phím và sẽ có một tác động tiêu cực đến việc chơi piano. Gù lưng cũng làm mất đi vẻ hấp dẫn khi bạn đang ở trên sân khấu chơi cho hàng ngàn người nghe. Vì vậy, hãy ngồi thẳng mỗi khi bạn chơi piano.
Tiếp theo, đảm bảo là khuỷu tay của bạn ở góc 90 độ. Nếu khuỷu tay của bạn mở rộng hơn, băng ghế đang được đặt quá xa. Nếu khuỷu tay của bạn bị đẩy trở lại phía sau thân người, điều đó có nghĩa là băng ghế piano của bạn đang ở quá gần cây đàn. Ngồi một khoảng cách thích hợp với cây đàn piano đảm bảo rằng bạn sẽ có đủ tầm với và khả năng di chuyển cần thiết để chơi đàn.
Khi bạn đắm mình vào một bài hát và cảm xúc bắt đầu tuôn trào, bạn có thể thấy mình nghiêng về phía đàn piano một cách tự nhiên, hoặc ngả ra sau và thực sự tận hưởng việc chơi đàn. Đây được gọi là chuyển động nghệ sĩ và hoàn toàn chấp nhận được. Các hướng dẫn học đàn piano cơ bản này được thiết kế để đảm bảo rằng bạn có một nền tảng vững chắc khi bạn bắt đầu học đàn piano, chứ không phải để giới hạn khả năng trình diễn của bạn.
Hướng Dẫn Học Đàn Piano Cơ Bản: Thế Tay Chuẩn
Nếu bạn chơi trong khoảng thời gian dài, tư thế tay thích hợp không chỉ đảm bảo rằng bạn đang chơi nhạc cụ đúng cách, mà còn giúp giảm mệt mỏi cho tay.
Điều đầu tiên cần lưu ý là cổ tay của bạn ở độ cao phù hợp với các phím đàn. Nếu cổ tay của bạn quá thấp, sẽ khó nhấn phím đàn đúng cách hơn. Nếu cổ tay quá cao, bạn sẽ khó điều khiển các ngón tay và có thể vô tình chạm các phím đen. Hãy chắc chắn khi nhấn, các ngón tay của bạn thẳng và có sức nặng phù hợp; đừng lướt qua các phím đàn.
Đây là thời điểm tốt để bạn biết các nghệ sĩ piano đánh số ngón tay của họ như thế nào. Bạn có thể nghe một giáo viên hướng dẫn yêu cầu bạn nhấn một phím đàn bằng ngón đầu tiên hoặc ngón thứ năm và cần biết ngón tay nào tương ứng với các con số đó. Ngón tay đầu tiên là ngón cái của bạn, và như bạn có thể đoán, ngón trỏ là 2, ngón giữa là 3, ngón đeo nhẫn là 4, và ngón út là 5.
Đến đây là kết thúc bài học về thế tay. Hãy chỉ đến với bài học tiếp theo khi bạn đã nắm bắt và làm đúng các tư thế chuẩn này.
Hướng Dẫn Học Đàn Piano Cơ Bản: Tiến Trình Hợp Âm
Tiến trình hợp âm là một chuỗi các hợp âm được sắp xếp lại với nhau. Ví dụ, một tiến trình hợp âm giọng F (Fa): F, B giáng, C, B giáng, và quay trở lại F.
Tiến trình hợp âm phụ thuộc vào âm giai piano, vì vậy nếu tôi nói bài hát ở giọng F, có nghĩa là các hợp âm dựa trên âm giai F trưởng (F major scale). F là nốt gốc của âm giai, B giáng là nốt thứ tư và C là nốt thứ năm của hợp âm. Ta có thể nói F là hợp âm I, B giáng là hợp âm IV, và C là hợp âm V. Chúng là ba trong số các hợp âm phổ biến nhất trong âm nhạc hiện đại. Rất nhiều bài hát bạn nghe trên đài chỉ được viết bằng ba hợp âm trên, dù ở nhiều giọng khác nhau.
Chơi thử các hợp âm trên cây đàn của bạn, theo bất kì thứ tự nào bạn muốn. Bạn có thể chơi từng nốt riêng biệt thay vì chơi tất cả cùng lúc.
Hãy cùng xây dựng các hợp âm khác từ một giọng mới để giúp bạn nắm bắt đầy đủ khái niệm này. Tôi sẽ sử dụng giọng E trưởng. Nốt gốc của âm giai E trưởng là E. Tiếp theo chơi hợp âm II, dựa trên nốt nhạc thứ hai trong âm giai, F thăng. Từ đó chơi hợp âm V, là hợp âm B. Quay lại chơi hợp âm E. Một hợp âm khác mà ta chưa sử dụng là hợp âm VI. Nốt nhạc thứ sáu của âm giai E trưởng là C thăng, vậy hãy chơi một hợp âm C thăng. Từ đó chơi hợp âm IV, là một hợp âm A, đến hợp âm V, rồi quay về hợp âm gốc là E.
Bạn có thể thấy rằng ta đã sử dụng khá nhiều hợp âm trong bài tập trên, nhưng tất cả chúng đều dựa trên âm giai của giọng của bài hát. Có rất nhiều tiến trình hợp âm phổ biến, và theo công thức, nhưng nếu bạn thử chơi chúng một cách ngẫu nhiên và cảm nhận được chúng vang lên cùng nhau như thế nào, bạn có thể tạo ra các tiến trình hợp âm của riêng mình.
Hướng Dẫn Học Đàn Piano Cơ Bản: Tập Tốc Độ Ngón Tay
Hãy bắt đầu bài tập của chúng ta ở âm giai C trưởng. Bạn có thể chọn bất kì tay bên nào, và chơi 5 nốt nhạc đầu tiên của âm giai, sử dụng cả 5 ngón tay. Chơi lần lượt từ C tới G, và ngược lại. Đừng bấm các phím đàn nhanh nhất có thể. Bắt đầu chậm rãi và đảm bảo các nốt nhạc vang lên có cùng âm lượng. Bạn muốn các chuyển động ổn định. Đừng phẩy ngón tay, mà di chuyển chúng ổn định trong chuyển động thẳng xuống.
Giờ hãy tiếp tục với một âm giai đầy đủ, ví dự như âm giai F trưởng. Bắt đầu chậm, chỉ chơi một quãng tám lúc đầu. Chơi các nốt nhạc lên và xuống trong quãng tám. Khi bạn đã chắc chắn chơi các nốt nhạc ổn định như nhau, bạn có thể bắt đầu tăng tốc độ. Tốt nhất bạn nên sử dụng máy đếm nhịp cho bài tập này. Bắt đầu ở một nhịp độ thấp và từ từ tăng tốc độ của máy đếm nhịp. Tập luyện kiểu này giúp bạn phát triển một cảm nhận phù hợp về thời gian trong âm nhạc.
Bài tập ngón tay cuối cùng ở đây là hợp âm rải (arpeggio). Một hợp âm rải là khi bạn chơi các nốt nhạc riêng biệt trong một hợp âm thay vì chơi chúng cùng một lúc. Chơi các nốt nhạc của hợp âm bạn chọn ở các quãng tám cao dần lên.
Dù bạn chọn bất kì phương pháp nào bạn chọn để luyện ngón, nhớ rằng bắt đầu chậm và tăng tốc dần là cách thích hợp để đảm bảo bạn không học phải những thói quen xấu. Khi thực hành những bài tập này, các ngón tay sẽ phát triển bộ nhớ cơ bắp cần thiết để chơi các âm giai nhanh hơn mà không cần phải nghĩ về các nốt nhạc.
Hướng Dẫn Học Đàn Piano Cơ Bản: Tập Tai
Daykemtainha.vn sẽ giới thiệu khái niệm chơi bằng tai, và đưa ra các mẹo, thủ thuật và bài học cơ bản để tập tai. Mục tiêu là để rút ngắn khoảng cách giữa việc nghe thứ gì đó trong đầu bạn, và chuyển nó sang phím đàn piano. Bạn có thể nghĩ rằng mình không có khả năng phân biệt nốt nhạc (tone deaf), nhưng nếu bạn có thể nghe thấy một khoảng âm cao hoặc thấp thì hoàn toàn không phải vậy. Bạn chỉ không có hiểu biết về khoảng âm và cách các nốt nhạc đi cùng nhau.
Thử chơi và phân biệt giữa nốt cao, nốt trung và nốt trầm. Nhắm mắt lại. Nhờ bạn bè hoặc người thân của bạn chơi một nốt nhạc và bạn sẽ xác định bằng tai xem đó là nốt trầm, trung hay cao.
Chơi một nốt C. Sau đó chơi các nốt C khác trên bàn phím. Thử hát theo sao cho đúng tông. Khi đã thuộc lòng nốt C, hãy nhắm mắt lại. TIếp tục nhờ một người khác chơi một nốt C trên đàn piano và bạn sẽ đoán xem đó có đúng là nốt C hay không.
Nhờ người bạn đó thi thoảng chơi một nốt G. Xem xem bạn có nhận ra đó không phải là nốt C hay không. Nếu không làm được, quay lại học nốt C. Một lưu ý quan trọng là phân biệt tông và cao độ. Tông C vẫn sẽ nghe giống như các nốt C khác dù có cao độ cao hay thấp hơn.
Hướng Dẫn Học Đàn Piano Cơ Bản: Tập Đếm Nốt
Nốt Tròn (Whole Note)
Ở phần này Daykemtainha.vn sẽ giới thiệu cho bạn về nốt tròn, vì nó liên quan đến nhịp 4/4, là nhịp phổ biến nhất trong âm nhạc. Trong nhịp 4/4 có 4 nhịp trong mỗi khuông nhạc, còn một nốt tròn chiếm toàn bộ khuông nhạc.
Để hiểu cách chơi một nốt tròn, hãy bật máy đếm nhịp của bạn lên. Ấn xuống một phím đàn trong một tiếng gõ của máy đếm và giữ nó trong 4 tiếng gõ. Vào lần gõ thứ năm, một khuông nhạc mới bắt đầu và bạn sẽ chơi nốt nhạc đó một lần nữa. Vậy sẽ như thế này: nốt gõ gõ gõ, nốt gõ gõ gõ, nốt gõ gõ gõ..v..v..
Tiếp tục chơi các nốt tròn cho đến khi bạn có một cảm giác tốt về chúng.
Nốt Đen (Quarter Note)
Nốt đen là nền tảng của nhịp 4/4. Trong nhịp 4/4 có 4 nhịp trong một khuông nhạc. Mỗi nốt đen đại diện cho một nhịp, vậy sẽ có 4 nốt đen trong một khuông nhạc.
Để có cảm nhận về nốt đen, bật máy đếm nhịp của bạn. Bấm một phím đàn tại một tiếng gõ của máy đếm nhịp và bấm xuống lần nữa tại mỗi tiếng gõ của máy. Cứ mỗi 4 lần bạn chơi nốt đó, bạn đã chơi hết một khuông nhạc.
Tiếp tục chơi nốt đen trong một khoảng thời gian để hoàn toàn nắm được nó. Vì là nền tảng của nhịp 4/4, nốt đen sẽ được sử dụng rất nhiều khi học chơi nhịp điệu. Số lượng có thể được nhân đôi thành nốt móc đơn, hoặc chia đôi thành nốt trắng. Bằng cách nào thì gốc của nhịp 4/4 vẫn là nốt đen.
Nốt Trắng (Half Note)
Nếu bạn bật máy đếm nhịp và chơi mỗi gõ một nốt, bạn đang chơi các nốt đen. Vì nốt trắng có độ dài bằng 2 lần nốt đen, bạn sẽ chơi một nốt trong mỗi 2 gõ của máy đếm nhịp. Có 2 nốt trắng trong một khuông nhạc của nhịp 4/4.
Hướng Dẫn Học Đàn Piano Cơ Bản: Happy Birthday
Chúng ta sẽ học chơi bài Happy Birthday. Đây là một bài hát quen thuộc với nhiều người. Chúng ta sẽ học cách chơi nó như một bài tập tai của bạn. Chắc sẽ có rất nhiều bài hát hiện đại hơn mà bạn muốn chơi, nhưng mục đích ở đây là để phát triển khả năng nghe của bạn.
Bắt đầu từ nốt D và hát bài hát trong đầu của chúng ta: “Happy birthday to you…”. Sau đó cao độ chỉ tăng lên một chút. D D E D G F# là những nốt nhạc của đoạn đầu tiên. Bây giờ chúng ta sẽ thử tìm ra giọng của bài hát. Nốt nhạc cuối cùng của câu không thực sự cho chúng ta một manh mối tốt. Nếu nhẩm lại bài hát trong đầu, ta sẽ nhận thấy rằng ở câu thứ hai, câu hát kết thúc theo một cách khác. Lần thứ hai câu hát kết thúc bằng A G thay vì G F#. Nốt G ở cuối của câu thứ hai là một manh mối cho thấy ta đang hát bài hát theo âm giai G trưởng. Một gợi ý khác là bài hát có một nốt F# và âm giai G cũng vậy.
Vì ta bắt đầu hát ở nốt D, ta biết được nốt đầu tiên của bài hát là nốt nhạc thứ năm của âm giai. Hãy kết thúc việc chỉ ra giai điệu bằng cách sử dụng tai của bạn. Ta kết thúc với D D, rồi D ở một quãng tám cao hơn, B, G, F#, E, và với câu tiếp theo C, C, A, G, A, G. Vậy hãy tiếp tục với việc viết một số hợp âm.
Chú ý: Thử chơi các nốt nhạc của bài hát này bằng tay phải, và chơi hợp âm bằng tay trái.
Thông thường một bài hát sẽ bắt đầu ở nốt nhạc gốc, vì vậy hãy bắt đầu với hợp âm G. Khi giai điệu là F#, ta sẽ chuyển hợp âm. Hãy xem hợp âm nào có một nốt F# trong nó: D và B thứ. Nếu ta thử cả hai, hợp âm D sẽ nghe hay hơn, vậy hãy dùng nó. Ta có thể quay trở lại hợp âm của nốt nhạc gốc khi giai điệu quay trở lại nốt G.
Tiếp theo giai điệu sẽ tới nốt E. Ta sẽ chuyển hợp âm tại đây. Hãy thử dùng hợp âm C, vì có nốt E trong đó. Sau đó ta có thể quay trở lại hợp âm G. Hãy kết thúc bằng một hợp âm D, nó sẽ dẫn tai của ta quay trở lại với hợp âm gốc khi bắt đầu chơi lại câu đầu tiên.