Hướng dẫn này dành cho người hoàn toàn chưa biết gì về âm nhạc nói chung và đàn guitar nói riêng. Người lớn hay trẻ nhỏ, nam hay nữ cũng có thể áp dụng những kiến thức cơ bản trong bài viết này để chơi guitar có cơ bản hơn, chính xác hơn.
Mục Lục Bài Viết
Biết về 4 thuộc tính cơ bản nhất của âm thanh âm nhạc
Để học đàn guitar từ trình độ ABC, bạn sẽ cần phải hiểu về những yếu tố cơ bản nhất trong âm thanh nói chung và âm nhạc nói riêng.
Trong cuộc sống, cơ quan thính giác của chúng ta tiếp nhận rất nhiều âm thanh khác nhau nhưng không phải âm thanh nào cũng có tính nhạc.
Những âm thanh không có cao độ rõ ràng chẳng hạn như tiếng kẹt cửa, tiếng sấm, tiếng sóng biển… gọi là tiếng động.
Khác với tiếng động, âm thanh dùng trong âm nhạc thường mang đầy đủ những thuộc tính sau:
- Cao độ: là mức độ cao thấp của âm thanh
- Trường độ: là mức độ dài ngắn của âm thanh
- Cường độ: là độ mạnh-nhẹ, to-nhỏ của âm thanh
- Âm sắc: là màu sắc khác nhau của âm thanh. Các bạn đều biết rằng giọng của mỗi người có âm sắc riêng. Nhờ đó, chúng ta có thể không cần nhìn mà cũng có thể nghe và phân biệt được giọng hát của những ca sĩ quen thuộc. Cùng là một cao độ nhưng mỗi nhạc cụ phát ra một màu sắc âm thanh đặc trưng. Chẳng hạn tiếng đàn Tranh mảnh mai khác với tiếng Sáo trúc lảnh lót réo rắt; tiếng Flute dịu dàng, mềm mại khác với tiếng kèn Trumpet sang, khỏe.
(Theo Tiến sĩ Phạm Phương Hoa, Tự học Nhạc lý cơ bản, xuất bản năm 2014 bởi Nhà xuất bản Âm nhạc)
Bắt đầu với việc đọc nốt nhạc trên bản nhạc
Không nên coi thường việc đọc nốt nhạc trên bản nhạc. Ở trình độ ABC chưa biết gì, bạn có thể hiểu về cơ bản nốt nhạc có 2 thuộc tính của âm thanh âm nhạc như trên: cao độ và trường độ.
Các nốt nhạc khác nhau về cao độ sẽ được phân biệt với nhau bằng tên nốt (Do, re, mi, fa, sol, la si), và có vị trí khác nhau trên 5 dòng kẻ của khuông nhạc.
Các nốt nhạc khác nhau về trường độ sẽ được phân biệt với nhau bằng hình nốt (tròn, trắng, đen, móc đơn, móc đôi, móc tam, móc tứ), và có hình vẽ khác nhau.
Biết vị trí nốt nhạc trên đàn
Thông thường guitar ở trình độ cơ bản sẽ bắt đầu với học chơi các nốt nhạc có cao độ khác nhau. Khi chơi guitar, chúng ta kết hợp cả tay phải và tay trái để tạo ra các nốt nhạc có cao độ khác nhau. Bạn cần phải sử dụng tay trái ấn vào đúng dây và đúng ngăn đàn trên cần đàn, và sử dụng tay phải móc dây tay trái đã ấn vào. Dù sao đi nữa, bạn cũng cần phải biết vị trí các nốt nhạc trên cần đàn để chơi được các nốt nhạc có cao độ khác nhau.
Sau đây là bảng vị trí các nốt nhạc cơ bản để bạn có thể chơi được từ trình độ chưa biết gì:
Bạn có thể tham khảo bài tập nhỏ sau đây để thuộc vị trí các nốt nhạc trong 3 ngăn đầu tiên của đàn guitar:
Chú ý:
- Các số ghi trên hàng kẻ là số phách.
- Các số ghi dưới nốt nhạc là số phím đàn và cũng là số của các ngón tay trái, tay phải chỉ sử dụng ngón cái để móc dây cho thật đều tiếng đàn theo dấu đã ghi, đến dầu hồi đoạn đàn trở lại từ đầu
Sử dụng máy đập nhịp (metronome) để giữ nhịp
Biết được vị trí tên nốt nhạc ở đâu và đánh được đúng tên nốt nhạc trên đàn chưa đủ để tạo ra âm nhạc. Bạn cần phải phải đánh được nốt nhac đúng nhịp và kết thúc nốt nhạc đó ở đúng nhịp để chuyển sang nốt nhạc khác. Để hỗ trợ cho việc này bạn sẽ cần một chiếc máy đập nhịp để giữ cho nhịp của mình đều đặn. Bạn có thể lấy chiếc smartphone ra và cài ngay app điện thoại Mobile Metronome cho hệ điều hành Android hoặc Metronome – Tempo Lite cho hệ điều hành iOS.
Lưu ý: ở giai đoạn này bạn cho rằng một nốt đen có trường độ bằng một phách, là khoảng thời gian giữa hai tiếng đập của máy đập nhịp. Các hình nốt khác có quan hệ với nốt móc đen về trường độ như sau:
Bạn cũng có thể tập bài tập tiết tấu sau với đàn guitar:
Tập rất chậm trước và chỉ tăng dần tốc độ khi đã vững với tốc độ chậm
Ở thời điểm đầu khi học guitar bạn sẽ phải quen với nhiều chuyển động cơ thể mới. Điều này sẽ có thể mất thời gian, chính vì vậy quan trọng nhất trong giai đoạn này là bạn bắt đầu tập một kĩ thuật mới (sử dụng tay trái hay sử dụng tay phải, hay chơi một đoạn nhạc mới), bạn nên bắt đầu với tốc độ (tempo) rất chậm, và đánh vẫn đúng tiết tấu của bài hát. Điều này giúp bạn có nhiều thời gian để suy nghĩ để chơi đoạn nhạc đúng ngay từ đầu, để sau không phải sửa sai. Chỉ khi bạn tập đúng đoạn nhạc với tốc độ chậm, bạn mới nên tăng tốc độ lên dần để về được đúng với tốc độ chuẩn của đoạn nhạc.
Không bao giờ cố tập 2 kĩ thuật mới cùng lúc
Sai lầm thường gặp nhất của những người mới tập guitar là ôm đồm quá nhiều thứ để tập cùng một lúc. Ví dụ: bạn vừa tập mà đã muốn tập cả tiết tấu cả cao độ phức tạp. Khi đó bạn sẽ cần phải làm quen với cùng lúc 2 thói quen mới, và điều này làm quá trình học của bạn chậm lại hơn, và quan trọng hơn là điều này làm cho việc học trở nên rất nản. Rất nhiều người học đàn guitar cơ bản cảm thấy bế tắc do không có một lộ trình đơn giản đầy đủ, và chỉ tập trung vào một học phần một lúc, từ đó bỏ chơi đàn guitar. Chỉ với một chút để ý, tự hỏi xem đoạn nhạc này muốn mình tập luyện gì, với những kiến thức về guitar cơ bản, bạn đã có thể chọn cho mình những bài tập với đúng một và chỉ một kĩ thuật mình còn thiếu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể giảm thiểu thời gian tự mày mò, và tối đa tốc độ học tập của mình bằng cách theo học một giáo viên guitar ở gần nhà mình với học phí phù hợp. Công cụ của Học Gì Đây? giúp bạn dễ dàng lựa chọn được giáo viên guitar giảng dạy từ trình độ ABC, phù hợp với bạn nhất. Bạn có thể lựa chọn giáo viên theo học phí, địa điểm, trình độ giảng dạy, và xem tận mắt tiết mục biểu diễn guitar của từng giáo viên để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với mình.