Chào mừng bạn làm quen với nhạc cụ lãng mạn nhất trên thế giới! Tôi rất vui mừng khi bạn muốn học guitar cổ điển vì nó có thể trở thành người bạn đồng hành suốt đời và là một cách hay để tìm một chỗ dựa tinh thần trong thế giới hiện đại phức tạp này.
– Đối với tôi, đàn guitar cổ điển tượng trưng cho sự khám phá và thử nghiệm. Đây là một trong những nhạc cụ có tính biểu cảm cao nhất và cực kì gần gũi với đôi bàn tay và cơ thể chúng ta.
– Trong giai đoạn mới bắt đầu, sẽ có rất nhiều kiến thức cần học và nhiều ngọn núi nhỏ phải vượt qua, nhưng chúng thật sự đáng làm. Hãy biết rằng ngay cả một âm thanh đơn giản nhất của một dây đàn cũng là một kĩ thuật được khám phá trong nhiều thập kỉ, và sẽ không có vạch kết thúc cho những gì chúng ta hướng đến. Thay vào đó, bạn sẽ cảm thấy yêu thích những kĩ thuật nho nhỏ mà mình học được theo thời gian, cho dù đó là một kĩ thuật cơ bản hay nâng cao.
– Vì vậy hãy tận hưởng giai đoạn mới bắt đầu này, vì đây là giai đoạn thú vị nhất.
– Sau đây là 12 điều cần nhớ nếu bạn mới bắt đầu học guitar cổ điển:
1. Mua Cây Đàn Guitar Cổ Điển Đầu Tiên Của Bạn
Chúng ta đang sống trong một “thị trường của người mua” và bạn có thể mua một cây đàn guitar cổ điển chất lượng với giá từ 2 – 3 triệu đồng. Khi bạn tiến bộ và ra khỏi giai đoạn mới bắt đầu, bạn sẽ muốn tìm kiếm các cây đàn có âm thanh và cách chơi tinh tế hơn, nhưng ở thời điểm bây giờ tầm giá này là đủ.
– Bạn cũng nên xem xét cảm nhận của mình khi cầm cây đàn, xem nó có dễ chơi hay không. Đôi khi cần đàn có thể quá cứng, hoặc các dây cách quá xa cần đàn, hay thậm chí chốt chỉnh dây bị kẹt. Đây là những yếu tố có thể thay đổi chút ít giữa các cây đàn guitar khác nhau.
2. Phụ Kiện Học Guitar Cổ Điển
* Dây Đàn
– Tìm mua dây đàn guitar là một việc đơn giản. Chúng có giá cả phải chăng và rất bền. Cũng giống như cây đàn guitar, dây sẽ ảnh hưởng đến âm thanh bạn tạo ra và việc thử nghiệm các loại dây khác nhau là một trải nghiệm thú vị, nhưng tôi thường khuyên những người mới bắt đầu không nên làm điều này.
– Có 2 loại dây đàn là dây thường (normal tension) và dây căng (high tension). Cho người mới bắt đầu, tôi khuyên bạn nên dùng loại dây thường. Dây căng sẽ tạo ra nhiều áp lực lên các ngón tay hơn, vì vậy nếu bạn mới chỉ đang làm quen với cảm giác chơi đàn guitar và các ngón tay của bạn bị đau, hãy chọn dây thường.
* Đế Kê Chân
Kĩ thuật chơi guitar cổ điển đòi hỏi nâng cần đàn lên cao để có thể làm các thao tác tay mà không làm mỏi cổ tay. Để tăng góc độ của cần đàn, chúng ta phải nâng chân trái lên (nếu bạn chơi đàn bằng tay phải) để đỡ cây đàn guitar, hoặc sử dụng các vật dụng hỗ trợ khác để kê chân.
Đế kê chân là phương pháp được hầu hết mọi người sử dụng từ thế kỉ 20 tới nay. Nó là một thiết bị đơn giản có thể thay đổi chiều cao để hợp với thiết lập của bạn. Vấn đề chính với đế kê chân là nó đòi hỏi bạn phải nâng chân trái lên trong một khoảng thời gian dài, và có thể làm mỏi cơ lưng của bạn. Mặc dù hoàn toàn vô hại trong thời gian ngắn, nhưng nếu được sử dụng nhiều giờ mỗi ngày, nó có thể gây hại.
* Bao Đàn
Đúng vậy, cây guitar cổ điển của bạn cần có bao đàn. Nó sẽ giúp tránh được từ những vết trầy xước nhỏ đến những lỗ thủng trên thùng đàn. Nếu cây guitar của bạn sẽ chỉ để ở nhà, và bạn không có kế hoạch mang nó đi đâu, một chiếc bao đàn đơn giản với miếng đệm nhẹ ở trong là đủ. Nếu bạn định mang cây đàn của mình lên các phương tiện giao thông công cộng (bất kì loại nào), tôi khuyên bạn nên mua một bao đàn cứng.
Một điều hay về bao đàn guitar cổ điển là chúng có thể dùng cho nhiều cây guitar khác nhau. Không như các cây guitar điện và guitar acoustic có rất nhiều hình dạng, guitar cổ điển có kích thước và hình dạng khá đồng đều.
* Máy Lên Dây
Phổ biến nhất là máy lên dây dạng kẹp (clip-on tuner) mà bạn có thể mua được dễ dàng ở bất kì cửa hàng nhạc cụ nào. Một lựa chọn khác là ứng dụng lên dây trên điện thoại thông minh.
3. Tư Thế Ngồi
– Để học guitar cổ điển, bạn phải giữ cần đàn ở một góc cao. Điều này sẽ tạo điều kiện cho bạn dễ dàng với tới các phím đàn cũng như cho phép tay phải đánh vào các dây đàn theo một góc.
– Nếu bạn là người thuận tay phải, đặt chân trái lên đế và đặt cây đàn guitar lên chân trái. Từ đó cần đàn sẽ được đưa sang bên trái nhiều hơn và được nâng lên cao hơn, đồng nghĩa với việc bạn sẽ dễ dàng với tới tất cả các phím trên mặt cần đàn.
Tôi không muốn đặt một quy tắc chuẩn mực nào, và hoàn toàn cởi mở với các biến thể mà mọi người nghĩ ra. Tuy nhiên, tôi khuyên bạn nên bắt đầu với cách học guitar cổ điển này trong ít nhất 6 tháng trước khi chuyển sang bất kì tư thế nào khác mà bạn thấy cần thiết.
4. Dùng Móng Hay Không Dùng Móng?
– Kĩ thuật guitar cổ điển hiện đại kết hợp giữa phần móng và phần thịt của ngón tay để tạo ra âm thanh. Móng tay cần phải được tạo hình và đánh bóng để âm thanh phát ra rõ ràng và linh hoạt. Đại đa số các nhạc công guitar cổ điển sử dụng móng tay phải của họ như là một kĩ thuật chơi đàn và tôi hoàn toàn ủng hộ điều này.
– Đôi khi, vì công việc hoặc vô vàn lý do khác, bạn không thể để móng tay. Điều này hoàn toàn ổn, bạn vẫn có thể học guitar cổ điển. Trên thực tế, nhiều người thích âm thanh tạo ra mà không cần móng, và họ thích tận hưởng cảm giác kết nối giữa phần thịt và dây đàn. Việc sử dụng móng tay để chơi guitar cổ điển bắt đầu từ khoảng thế kỉ 19, vì vậy rất nhiều bản nhạc mà bạn sẽ học đều được chơi bằng đầu ngón tay trong phiên bản gốc của chúng.
5. Chấn Thương Và Đau Nhức
– Tất cả chúng ta đều có những thách thức về cơ thể, đó là vấn đề về thích nghi và thỏa hiệp để tìm ra cách chơi tốt nhất cho bạn.
– Có rất nhiều người hỏi liệu học guitar cổ điển có khả thi với họ không khi họ đang phải gặp phải vấn đề với (…). Câu trả lời cho hầu hết các trường hợp này là có. Viêm khớp, bong gân, đau lưng… và nhiều loại bệnh khác. Điều quan trọng là phải cân nhắc kĩ lưỡng về cơ thể mình, và sẵn sàng thích nghi với hoàn cảnh cá nhân.
– Một số cách để “thỏa hiệp” với cơ thể mình mà tôi đã dùng trong quá khứ bao gồm:
- Sử dụng móng gảy (pick) cho tay phải khi bị bong gân ngón tay.
- Sử dụng móng tay giả nếu móng tay dễ bị gãy.
- Bỏ một số nốt nhất định trong bản nhạc vì không thể giãn tay đủ dài.
6. Móc Dây Và Ép Dây
– Sau một khoảng thời gian học guitar cổ điển, bạn sẽ thấy rằng, giống như một cây cọ của người họa sĩ, sẽ có nhiều kiểu đánh đàn bằng tay phải phù hợp cho nhiều yêu cầu về âm thanh khác nhau. Trong giai đoạn mới bắt đầu học guitar cổ điển, người ta thường chia các kiểu đánh đàn này thành 2 loại rộng: móc dây và ép dây.
– Móc dây (free stroke): Ngay sau khi gẩy một sợi dây đàn, ngón tay gẩy đàn được đặt lơ lửng bên trên dây đàn kế tiếp theo hướng gảy.
– Ép dây (rest stroke): Ngay sau khi gẩy một sợi dây đàn, ngón tay gẩy đàn được đặt lên trên dây đàn kế tiếp theo hướng gảy.
– Kĩ thuật móc dây được sử dụng trong hầu hết các bản nhạc guitar cổ điển, và ép dây được sử dụng cho các yêu cầu cụ thể và nâng cao hơn. Vì vậy, kĩ thuật móc dây nên được xem trọng trong bài học cho người mới bắt đầu.
– Với những người mới học guitar cổ điển, kĩ thuật ép dây thường dễ học hơn, vì vậy bạn có thể sẽ muốn học nó trước. Tuy nhiên kĩ thuật móc dây sẽ trở nên khó hơn nếu bạn đã học ép dây trước, và nó có thể làm cho các học viên hình thành thói quen xấu cho thế tay bên phải.
7. Sự Chính Xác Của Tay Phải Và Độc Lập Của Tay Trái
– Bạn sẽ nhận thấy với cả hai tay, sự khéo léo, sức mạnh, và độ chính xác sẽ đến cùng với thời gian. Một phần của việc này là để cho não của bạn học các cử động mới, nhưng sự thay đổi về cơ thể cũng cần phải xảy ra. Với thời gian và sự kiên trì, bạn sẽ thấy những ngón tay của mình bắt đầu “cư xử đúng mực” và những chuyển động nhỏ trên cây đàn guitar sẽ trở nên quen thuộc hơn.
8. Bản Nhạc Tiêu Chuẩn Và Bản Nhạc Ghi Số
– Cả bản nhạc chuẩn (notation) và bản nhạc ghi số (tab) đều là những hướng dẫn trực quan để chúng ta chơi nhạc. Không có một phương thức nào là hoàn hảo, nhưng có một số lợi ích và hạn chế cụ thể cho mỗi loại.
– Bản nhạc ghi số rất dễ hiểu, nó có thể truyền đạt những điều căn bản về thế bấm tay một cách rõ ràng. Với những bài hát đơn giản, nó có thể rất hữu dụng. Tuy nhiên, bản nhạc ghi số sẽ cho thấy những khiếm khuyết nghiêm trọng khi âm nhạc trở nên phức tạp hơn và có nhiều lớp nhịp điệu và tông giọng.
– Bản nhạc tiêu chuẩn cũng có những thiếu sót, đặc biệt là khi dùng để chơi đàn guitar. Nhưng quan trọng hơn, là nó là ngôn ngữ thông dụng chung của cộng đồng âm nhạc cổ điển nói chung và nó sẽ cho phép bạn tương tác với các nhạc công khác, điều hoàn toàn cần thiết.
– Hơn nữa, gần như toàn bộ âm nhạc mà bạn sẽ động đến trong khi học guitar cổ điển được viết bằng bản nhạc tiêu chuẩn, do đó, không nên hỏi có nên học bản nhạc tiêu chuẩn hay không. Bạn phải làm vậy. Đó có thể là một đường cong dốc lớn lúc ban đầu, nhưng bạn có thể làm được, và nó sẽ trở nên dễ dàng hơn theo thời gian.
9. Có Cần Học Nhạc Lý Không?
– Không, bạn có thể học guitar cổ điển mà không cần biết lý thuyết đằng sau nó… nhưng bạn có thể học nhạc lý dễ dàng.
– Các lý thuyết và phân tích thường hay bị “kì thị” vì chúng có vẻ quá phức tạp. Sự thật là bất kì điều gì giúp bạn hiểu được về âm nhạc mà mình đang học sẽ mang lại nhiều niềm vui và chất lượng cho tiết mục của bạn.
– Hãy bắt đầu với những quan sát đơn giản và nó sẽ dẫn đến những khám phá tuyệt vời, làm cho việc nghiên cứu âm nhạc của bạn trở nên thú vị.
– Nhạc lý có thể cụ thể hơn một chút với những khái niệm đặc biệt mà bạn sẽ áp dụng trong âm nhạc phương Tây. Âm giai, xây dựng hợp âm, và mối liên hệ giữa các hợp âm là những thứ bạn sẽ phải học. Nó có thể rất trừu tượng ở giai đoạn đầu, nhưng qua thời gian nhạc lý sẽ mở ra một góc nhìn khác và nâng cao mức độ hiểu biết âm nhạc trong tiết mục của bạn.
– Dù không bắt buộc, nhưng tôi rất khuyến khích bạn học nhạc lý.
10. Luyện Tập Bao Nhiêu Là Đủ
– Đây chắc hẳn là câu hỏi thường gặp nhất trong giáo dục nói chung và học guitar cổ điển nói riêng, và tôi nghĩ nó rất phổ biến vì câu trả lời luôn luôn là… còn tùy.
– Một ý kiến là tập luyện thường xuyên tốt hơn là tập luyện ít với khối lượng lớn. Vậy nên 15 phút mỗi ngày sẽ tốt hơn 1 tiếng mỗi tuần.
– Ý kiến khác thì cho rằng bạn có thể tập luyện trong nhiều giờ với tần suất thấp, nhưng việc tập luyện phải có mục đích rõ ràng và tập trung cao độ.
– Gợi ý của tôi là, trong giai đoạn mới bắt đầu, từ 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày sẽ mang lại cho bạn sự tiến bộ vững chắc.
11. Khi Nào Bắt Đầu Chơi Các Tiết Mục Và Chơi Cái Gì?
– Để trả lời câu hỏi này, bạn có thể bắt đầu chơi một bản nhạc đơn giản trong bài học đầu tiên của mình. Từ thời điểm đó, những gì bạn chơi cần phải được cấu trúc thật cẩn thận với bài học của bạn. Nếu đột nhiên phải chơi một bản nhạc quá khó, bạn sẽ dễ cảm thấy thất vọng và mất niềm tin vào khả năng tiến bộ của mình.
– Để giải quyết vấn đề này, bạn cần có một quyển sách phương pháp, một khóa học hoặc một giáo viên, người sẽ đề ra tiến độ cho bạn. Việc tự lựa chọn bản nhạc là bất khả thi với bạn ở thời điểm này vì chúng rất khó lường.
12. Tìm Một Giáo Viên Tốt
– Một giáo viên tốt là rất quan trọng.
– Từ kinh nghiệm học guitar cổ điển của tôi, tôi đã từng có một số giáo viên không thực sự có khả năng sư phạm và điều đó đã cản trở sự tiến bộ của tôi khá nhiều.
– Giáo viên dạy học guitar cổ điển tốt phải chơi đàn tốt trước đã. Họ không cần phải là bậc thầy, nhưng nếu họ không thể chơi được trình độ nâng cao, bạn sẽ nghi ngờ khả năng hướng dẫn người khác của họ.
– Thành thật mà nói, có nhiều giáo viên không say mê việc giảng dạy. Thay vào đó, họ đi dạy chủ yếu vì thu nhập. Đây là một điều hoàn toàn thực tế, nhưng nó có thể dẫn đến những bài học dập khuôn, tẻ nhạt theo sách, thiếu cấu trúc phù hợp với học viên.
– Một cách tốt là xem những học viên khác mà giáo viên đó đã từng làm việc, đây có thể là minh chứng cho hiệu quả dạy học guitar cổ điển của họ.
– Nếu đã quyết định học guitar cổ điển với một giáo viên, bạn có thể đăng kí học guitar với các giáo viên của Học Gì Đây? ngay hôm nay. Hệ thống của chúng tôi sẽ mang tới cho bạn các giáo viên gần nhà bạn nhất, với mức học phí và lịch học phù hợp với nhu cầu của bạn. Và quan trọng hơn, tất cả đều rất thân thiện và có kinh nghiệm dạy học guitar cổ điển cho người mới bắt đầu.